-
29
Aug
Giao thông Việt Nam: Lạ lùng hơn ta tưởng
Ai cũng biết giao thông Việt Nam có nhiều chuyện lạ. Chẳng cần đi đâu xa, cứ ở nhà đọc báo, xem đài là thấy. Có dịp ra xứ người, sự lạ càng được nhân lên vì thấy chẳng ai giống mình.
Việt Nam là nước có nhiều xe gắn máy nhất?
Vào giờ cao điểm cuối ngày, xe gắn máy kìn kịt, leo cả lên lề, bao vây xe hơi như kiến vỡ tổ. Nón bảo hiểm phản chiếu đèn đường, loang loáng cứ như người ngoài hành tinh đổ bộ. Nằm trong dòng chảy đó, đầu óc mụ mị, lơ lửng, gần như tê liệt cảm xúc, chỉ dịch chuyển theo phản xạ của đám đông.
Thời bao cấp, chiếc Honda Dream Thái giá tới 7 – 8 cây vàng, thiên hạ vẫn dập dìu mua sắm. Người Việt ít chịu đi bộ, chừng trăm mét là phải cưỡi xe gắn máy. Lại thích ngồi trên xe mua đồ, trả giá, tám chuyện đời và nghe điện thoại. Xe gắn máy thiên hạ chỉ chở 2, Việt Nam chở cả nhà, 4 – 5 người là bình thường. Nhiều xe, tuổi đời hơn nửa thế kỷ “vẫn chạy tốt”, hoặc được biến tấu thành xe kéo, xe lôi chở vài chục người.
Lái xe Việt Nam thích bóp còi loạn xạ, từ xe gắn máy đến xe buýt, xe ben… Có loại còi hơi, mỗi lần nghe là giật mình, muốn vãi ra quần. Bóp còi chưa đủ, phụ xế của mấy xe buýt ngoại thành còn la hét và đập rầm rầm vào thùng xe phụ họa. Ở các nước tiên tiến, bóp còi một lần là gọi nhau, còi liên tục như Việt Nam là chửi bới. Mấy ông Tây, bà đầm cứ bảo, “sao lái xe Việt Nam chửi nhau lắm thế?”.
Khách nước ngoài đều bảo: “Lái xe Việt Nam thân thiện nhất thế giới, gặp nhau là đưa tay chào hỏi”. Suýt đưa vào sách kỉ lục thế giới thì té ngửa. Những động tác “chào hỏi” thật ra là mật hiệu báo động. Bàn tay bóp mở liên tục – “có gì không?”. Bàn tay lắc qua lại – “không có gì”. Bàn tay nắm, ngón cái giơ lên – “Đằng xa, có…”. Bàn tay nắm, ngón cái chỉa xuống – “Ngay trước mặt”…
Nhiều trạm thu phí nhất?
Trạm thu phí là chuyện bình thường ở nhiều nước, có tiêu chí và qui trình minh bạch. Cả nước Campuchia chỉ có 2 trạm thu phí. Cả nước Lào chỉ có 3 trạm thu phí cầu mới xây, mỗi lượt 15.000 kip, tương đương 40.000 đồng. Đi xuyên Đông Dương, đoạn qua Campuchia và Lào hơn 1.600 km, không có trạm thu phí nào. Đoạn qua Việt Nam, từ Bình Long (Bình Phước) – Sài Gòn chỉ hơn trăm km, có 4 trạm thu phí. Đường mới – thu để bù vốn; đường cũ – thu để bảo hành; đường hư – thu để sửa chữa. Tóm lại là thu tất, gì cũng thu.
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM.
Theo thanhnien.com.vn